Hôm trước, ba đọc từ blog của nhà văn Đỗ Bích Thúy, nhà văn hoang mang và lo lắng khi cô con gái học lớp một cứ thắc thỏm lo âu và hỏi mẹ rằng, có một người đàn ông cầu hôn với con qua điện thoại, con có nên nhận lời không? Thực ra đó không phải là lời cầu hôn dành cho cô con gái vừa bước vào tiểu học, mà là lời tỏ tình của chàng trai dành cho cô giúp việc trong nhà. Nhưng vì cô giúp việc đang bận việc bếp núc gì đó, nên đưa điện thoại cho con gái nghe. Và nhà văn, người có thể sắp đặt cho số phận hàng ngàn nhân vật, bỗng bối rối trước câu chuyện tưởng như buồn cười của con gái mình. Nhà văn băn khoăn rằng, nếu mình nói thật rằng, đó không phải là lời cầu hôn dành cho con, thì có thể con sẽ hụt hẫng và sẽ bị một tổn thương lâu dài. Bởi vì khi ấy con đã tin rằng, có một lời cầu hôn và lời cầu hôn ấy thiêng liêng, con đã giữ kín chuyện đó, không nói với bố, không nói với bạn, đợi mẹ đi công tác về mới tâm sự. Nghĩa là con có một niềm tin…
Nói với con về những điều rất khó
Con trai của ba thì luôn có một mặc định rằng, con sẽ yêu một người đẹp. Con bước vào tuổi lên bốn, nhưng con rất thích chơi với những bạn xinh đẹp và đến cả giấc ngủ trưa ở trường con cũng thích nằm cạnh một bạn xinh đẹp. Có lần, một bạn hàng xóm qua nhà mình, đòi chơi xe hơi cùng con, nhưng con kiên quyết không cho. Một phần vì đó là những chiếc xe hơi cổ mà ba đã mất rất nhiều công tìm kiếm trên những tiệm đồ chơi ở quận 5 và con dường như hiểu được điều đó, con rất quý chúng. Phần khác, khi bạn đã về rồi, con phụng phịu nói, con không thích chơi với bạn ấy, vì bạn ấy xấu và bẩn, hay thò lò mũi xanh. Con không cho bạn ấy qua nhà mình nữa ba nhé? Ba ngồi sững trên sofa vì ba không nghĩ con lại có ý kiến quyết liệt về một cô bạn… thò lò mũi như vậy. Rồi ba đi tìm kiếm trên mạng internet về những biểu hiện tương tự, người ta nói, đến tuổi lên ba là… trẻ em đã biết yêu. Làm sao ba nói với con được rằng, cái cô thò lò mũi xanh này không xấu, cô ấy chỉ ở dơ vì… ba mẹ cô ấy bận rộn chưa kịp tắm và thay đồ cho con thôi. Cô ấy không có người giúp việc lo từng cái chớp mắt như con. Và cô ấy cũng không có cả một căn phòng mấy chục mét vuông chỉ để đồ chơi và làm nơi cho con bày đủ thứ trò trên đời. Nhà cô ấy chỉ có 20m2 và bố mẹ cô ấy bận rộn đến đêm khuya… Bà đùa với con, chỉ thêm hai tuổi nữa là bạn ấy sẽ đẹp lắm đấy con ạ, sẽ đẹp nhất khu phố. Nếu bây giờ con không cho bạn ấy qua nhà chơi, thì lúc đó ba sợ là con mời bạn ấy cũng không thèm qua nữa. Mình sống phải có trước có sau chứ con… Con nghe rồi phụng phịu tiếp. Ba chợt nhận ra, “có trước có sau” là cụm từ đến nhiều người lứa tuổi ba còn mù mờ về ý nghĩa, mà ba áp dụng với con thì thật là đánh đố rồi. Ba bật cười. Nói với con thế nào cho con hiểu nhỉ? Mà thôi, ba sẽ nói sau…
Con nghe tivi hát, “biển trời bao la, đẹp như gấm hoa…”. Khi ấy ba đang đọc sách. Con luôn có những câu hỏi vào lúc ba đang đọc sách. Con hỏi, sao lại là “bao la” hả ba? Bao la là cái gì? Ừ, bao la là cái gì nhỉ? Nhà mình ở trong khu phố đông đúc, đi từ đường lớn vào toàn ngõ ngách, nhà nối nhau san sát, nhà xây sau luôn cố tình xây cao hơn nhà xây trước, đến mức vươn ra hai nhà đụng nhau thành luôn cái mái ngõ, đi trời mưa cũng chẳng ướt đường. Con đi học bằng xe hơi của mẹ, không bao giờ có cảm giác phải đội mưa. Đến trường, con ở trong ngôi nhà trẻ kín bưng cửa khóa, các bạn chơi với nhau, mưa không tới mặt, nắng không tới đầu. Có thể nói, cuộc đời con được khởi điểm từ những ô vuông chắc chắn, cái người ta gọi là nhà. Thế nên, con nào biết, thế nào là bao la? Bây giờ mà ba ngồi kể, bao la là tuổi thơ của ba, chạy chân trần trên đồi, nhìn về thành phố, có những khoảng trời rộng lớn và có đường chân trời ở tít nơi xa. Bao la là cánh đồng của bà nội, lúa xanh non mơn mởn giữa mùa, gió thồi mướt như tóc con gái, chạy dài thẳng cánh cò bay. Bao la là biển, à phải, con đã từng một lần đến biển lúc con đầy một tuổi. Dù khi ấy, ba chỉ dám nhúng con xuống biển một lần rồi ba lại bế con lên. Khi ấy, con ôm chặt lấy ba, con sợ cái bao la ấy đấy. Ừ, bao la là biển con ạ.
Hôm trước ba ngồi nói chuyện với hoa hậu Nguyễn Thu Thủy. Hoa hậu nhưng bây giờ là bà mẹ của hai đứa con. Anh con đầu của hoa hậu lớn hơn con cơ, đi học rồi. Nhưng mà hoa hậu bảo, hoa hậu rất lo lắng về việc thiếu trải nghiệm và những câu hỏi không thể trả lời được của các con mình. Con trai hoa hậu về quê cứ vác ghế ra ngồi cạnh chuồng bò để ngắm “con chó to”, con gái của hoa hậu thì thuộc hết tên các con vật trong sách (y như con vậy), nhưng liệu đến khi gặp con khỉ ngoài đời thật, có thể cô bé ấy sẽ thất vọng, vì ở ngoài khỉ không thơm tho và dễ thương như trong truyện tranh con ạ. Ba cũng thấy lo lắng đôi chút, bởi vì con sẽ hình dung chú mèo là Tom và chú chuột là Jerry. Và đến khi gặp con chuột cống chui thập thò trong rãnh cống gần nhà, con hỏi ba đó là con gì, thì ba sẽ không biết trả lời sao cho con hiểu, vì con không tin Jerry lại vừa hôi vừa thập thò như thế. Quả là rất khó, phải không con?
Con thông minh và hiểu biết sớm, con ngồi caphe với ba ở bờ hồ mà con đọc “Bưu điện Hà Nội” bằng tiếng Anh thì ba biết là con dư sức nhận thức nhiều vấn đề. Nhưng một ngày con nói với ba rằng, trong bộ sưu tập đồ chơi của con chưa có… tên lửa. Con hỏi, tên lửa làm bằng gì hả ba? Và tên lửa để làm gì ba nhỉ? Ba biết, để cho con hiểu tên lửa làm bằng gì thì ba sẽ phải mất nhiều ngày. Và để thoát thân trước bài toán khó, ba nói đùa, ba sẽ mua cho con đồ chơi tên lửa, và tất nhiên, tên lửa được làm bằng sắt. Nói thế thì chắc con chưa thỏa mãn đâu. Nhưng mà sao con toàn câu hỏi khó…