Cậu con trai bé bỏng xinh xắn, đáng yêu nhưng không biết nói của cô được người sinh ra nó gọi là của nợ. Cô đau đớn ôm con vào lòng với cả tình yêu thương thay cho người bố bạc bẽo, những người thân bên nội đã chối bỏ cậu bé và tự hứa với lòng mình “Con trai của mẹ không bao giờ là của nợ”….
Mỗi khi đưa con đi qua con phố ấy cô thường tránh vì nơi đó có căn nhà mà trước đây mẹ con cô đã ở. Dù chẳng phải là nơi sinh ra và lớn lên nhưng đó là căn nhà riêng đầu tiên của cô và là nơi đầu tiên đón cậu con trai nhỏ ở đó.
Đối diện căn hộ là một công viên nhỏ, nơi mỗi chiều cô dẫn cậu con trai 3 tuổi ngờ nghệch sang hoà nhập cộng đồng. Cô mướt mải mồ hôi đuổi theo cậu con trai cắm đầu chạy không biết tới hiểm nguy… Căn hộ ở tầng 3 nên hàng ngày đi làm cô và con trai hay dắt nhau đi một đoạn đường để tới nơi gửi xe, đoạn đường theo năm tháng cũng đầy kỷ niệm với 2 mẹ con.
Căn nhà có người đàn ông một thời yêu mẹ con cô hết lòng, người đó hay công kênh cậu con trai nhỏ ê a trên cổ và đi xuống cầu thang để chờ vợ đi chơi mỗi tối… Người đó hay nói dối tuổi của con nhỏ đi vì mãi nó chẳng gọi bố, mẹ…
Rồi một ngày hanh phúc bay đi, cô mang theo cậu con trai rời xa căn nhà đó để mỗi lần đi ngang qua con phố, khi không có còn đường nào tránh, hoặc chỉ là vô tình, cậu con trai lại chỉ trỏ ê a sang phía công viên, chỉ vào cái ngõ nhỏ nơi ngày xưa cậu bé và mẹ dắt tay nhau đi… Có lẽ trong trí nhớ ngờ nghệch, trong veo của con cũng có những kỷ niệm ngọt ngào, mơ hồ về người đàn ông mà con không gọi được tiếng bố. Người mẹ nhói lòng theo tiếng ê a…
Thấm thoát đã vài năm, vài năm cô tránh đi qua con phố đó.
Hôm qua đến trường đón con, nhìn thấy cậu bé mồ hôi giọt vắn, giọt dài chạy ra đón mẹ, trên tay cầm chiếc túi có tờ giấy khen và mấy cuốn vở. Cô ôm con vào lòng rưng rưng nước mắt và nghĩ đến người đàn ông đó. Cha của con cô.
Mong mỏi, nỗ lực mãi rồi cậu bé cũng đi học được lớp một. Rồi cuối năm con cũng được giấy khen, điều mà trong mơ cô cũng chưa bao giờ nghĩ tới. Người cô muốn chia sẻ niềm vui đầu tiên là người đàn ông đó, dù điện thoại chẳng lưu số nhưng có nhắm mắt cô cũng bấm ra…., nhưng rồi cô lại tắt máy. Cô nhớ lại những tin nhắn được gửi đến cách đây một năm khi cô nhắn tin thông báo con trai bị gãy chân, cô cần người giúp đưa con đi bệnh viện. Bao nhiêu tin nhắn được gửi đến với đủ lời lẽ nhưng ám ảnh cô nhất là 2 từ CỦA NỢ.
Cậu con trai bé bỏng xinh xắn, đáng yêu nhưng không biết nói của cô được người sinh ra nó gọi là của nợ. Cô đau đớn ôm con vào lòng với cả tình yêu thương thay cho người bố bạc bẽo, những người thân bên nội đã chối bỏ cậu bé và tự hứa với lòng mình “Con trai của mẹ không bao giờ là của nợ”.
Tờ giấy khen cuối năm đã chứng minh điều đó, và còn nhiều thứ con trai cô đã làm được và làm rất tốt.
Chiều cuối tuần, cô tự tin đưa con đi qua con phố ấy bởi cuối con đường có cửa hàng gà rán mà con rất thích. Cô muốn thưởng cho 3 mẹ con một bữa thịnh soạn, hợp khẩu vị của cậu bé vì sự nỗ lực vượt bậc của con. Khi ra về cũng ngang qua cái ngõ nhỏ ngày xưa, dù cô đã cố tình đi thật chậm nhưng cậu bé đã không ê a chỉ trỏ nữa. Con trai cô đã quên tất cả… quên cái ngõ, quên căn nhà với những con người đã quên con từ lâu. Giờ có lẽ họ đang vui với những hạnh phúc mới, lành lặn, chứ không khuyết như mẹ con cô. Cô thở nhẹ, mỉm cười cúi xuống ngắm đôi bàn tay mũm mĩm của con đang vòng qua eo mẹ, ôm thật chặt.
Có những con người đã đi qua cuộc đời cô và con, họ không bị khuyết tật trí tuệ như con trai cô nhưng hình như họ lại bị khuyết một trái tim