Giờ ra chơi. Anh vừa bước chân tới cửa phòng giáo viên thì nghe tiếng reo :
- A ! Đã quá ! Hôm nay được ăn thịt.
Tiếng reo như viên sỏi ném xuống ao. Nó tạo ra những vòng sóng. Những vòng sóng cứ lan rộng … lan rộng… lan rộng… Chẳng mấy chốc mà phòng giáo viên trở thành cái chợ. Người ta bỗng vui như lũ trẻ con được người lớn cho ăn viên kẹo. Người ta cứ quanh quẩn bên miếng thịt mới chỉ có trên tấm bảng thông báo của công đoàn. Người về trước nhờ người về sau lấy dùm – dặn đi dặn lại ý chừng sợ bạn quên.
Thịt.Thịt. Thịt. Sao mà nó hấp dẫn đến thế nhỉ. Trong nháy mắt, nó làm cho những con ma đói quên đi cái thân phận tôi đòi mạt hạng của mình. Tiếng reo kia bất giác khiến người ta liên tưởng đến tiếng chuông thí nghiệm của Pavlov. Những ngấn cổ trồi lên, ngụp xuống. Nước bọt bắt đầu ứa ra trong vòm miệng.Những cái dạ dày lép kẹp bắt đầu cồn cào. Mấy củ khoai mì, khoai lang lót dạ sáng sớm chẳng đủ sức bám vào thành ruột. Rồi những nồi thịt kho thơm lừng , những miếng thịt ba rọi thái mỏng như lưỡi lam cuốn với bánh tráng kèm đủ loại rau thơm , những miếng thịt gà vàng nhậy nằm san sát trên đĩa sứ trắng muốt… của quá khứ – một quá khứ chẳng xa xôi gì cho lắm, chỉ cách đây ba bốn năm thôi mà hễ cứ mở miệng ra thì người ta gọi ngay là “ ngày xưa”- hiện ra trước những cặp mắt lờ đờ lờ đờ.
“11 giờ hôm nay có thịt”. Hàng chữ khiêm tốn nằm ở một góc nhỏ trên bảng thông báo của công đoàn. Nó gần như bị đè bẹp bởi những thông báo thi đua chào mừng này kia đó nọ được viết nắn nót, bay bướm, có kèm theo hoa hòe hoa sói. Ấy vậy mà mọi người vẫn nhận ra một cách nhanh chóng. Nếu khi đọc những thông báo kia người ta nổi da gà, sởn gai ốc thì hàng chữ nhỏ này lại là một dòng suối mát ngọt và tự nhiên nổi bật hẳn lên. Cứ lâu lâu một lần, hàng chữ như thế lại xuất hiện. Khi thì thịt, khi thì cá, lúc vỏ xe, lúc vải mùng của phụ nữ… Mỗi khi bước vào phòng giáo viên, ai cũng nhìn lên cái bảng đó với mục đích tìm xem có hàng chữ như vậy hay không. Nếu có thì lại vang lên những tiếng “ố”, “ồ’’, “à”… Và hôm nay cái hoạt cảnh ấy lại tái diễn.
Nhìn hoạt cảnh đó lòng anh không khỏi chạnh lòng xót xa. Tuy nhiên, ngay chính bản thân anh giờ phút này cũng dấy lên một niềm vui khi nghĩ đến cái miếng-thịt- chưa-có kia. Và trước mắt anh, hình ảnh người mẹ già ốm yếu lại hiện ra rõ mồn một. Mẹ đang cần chút ít protein để sống lắt lay trong thời kỳ “ trời đất nổi cơn gió bụi”.
Giờ này chắc mẹ đang cặm cụi bên cái máy se đay trước bức tường vôi loang lổ. Tiếng rè rè của guồng đay là một nhạc khúc êm ái ngọt ngào ngợi ca tấm lòng mẹ bao la.Đối với anh, mẹ thật vĩ đại. Mẹ là tất cả. Nhiều lần anh đã nước mắt lưng tròng khi thấy mẹ cứ tàn tạ dần đi mà anh thì bất lực không thể ngăn chặn được bàn tay tàn độc của thời thế. Trưa nay, nhất định anh sẽ làm cho mẹ món ăn mà mẹ ưa thích. Anh tự nhủ và theo chân các bạn đồng nghiệp lên lớp khi tiếng chuông báo hiệu giờ ra chơi đã hết.
Cuối cùng thì anh cũng mang được miếng thịt hiếm hoi về nhà. Vừa thấy anh ở cửa, mẹ đã lo lắng hỏi :
- Hôm nay có chuyện gì không mà con về trễ thế ?
- Dạ, không có chuyện gì đâu, mẹ ạ. Con ở lại để chờ lấy thịt.
- Thịt hả ?
Câu hỏi chất chứa niềm vui của mẹ làm anh nao lòng.
- Vậng. Hôm nay có thịt. Mẹ chịu khó chờ con một lát, con làm món thịt áp chảo cho mẹ nha.
- Cha bố anh.
Mẹ cười và âu yếm nhìn đứa con đã ngoài ba mươi mà lúc nào cũng như còn nhỏ bé lắm. Anh chạy vội vào bếp không kịp thay đồ. Đã trưa rồi. Phải làm ngay để mẹ khỏi đói bụng và nhất là chiều nay anh còn mấy tiết nữa. Anh lọc mỡ và da để riêng. Phần này dùng làm món ăn cho người em đang học tập cải tạo. Xong xuôi, anh ướp ngũ vị hương và nước mắm. Trong lúc đợi cho gia vị ngấm vào thịt, anh trở ra nhà ngoài.
Anh thấy mẹ đang cặm cụi vá lại miếng rách trên cái áo sơ-mi màu cháo lòng của anh. Tuy đã ngoài sáu mươi, nhưng mẹ vẫn còn tinh mắt lắm. Mẹ xỏ kim thoăn thoắt mà không cần kính. Chả bù cho anh, thỉnh thoảng mẹ nhờ xỏ kim thì cứ loay hoay mãi mà không được, khiến mẹ phải thốt lên : “Thôi đi, ông tướng ! Để đó cho tôi ! Bảo lấy vợ mãi mà không chịu. Mai này tôi chết đi thì sao ?” . Anh chỉ biết cười trừ. Bố qua đời từ lâu. Em trai đi học tập gần năm năm rồi. Trong căn nhà nhỏ xiêu vẹo, hai mẹ con quấn quýt đùm bọc nhau sống cho qua ngày tháng đoạn trường chờ ngày đứa em trở về. Nhìn mái tóc muối tiêu của mẹ, mắt anh cay cay. Anh gọi : “ Mẹ !”. Mẹ ngửng lên nhìn anh rồi lại cúi xuống. Những ngón tay gầy cứ đưa lên, đưa xuống nhay nháy. Mẹ biết anh chỉ gọi như thế thôi. Đó là thói quen của anh mỗi khi muốn bày tỏ cảm xức với mẹ. Đối với anh, chỉ cần gọi một tiếng : “Mẹ !” thôi thì bao nhiêu phiền não bay biến ngay tức khắc và tâm hồn anh ấm áp vô cùng. Anh cảm thấy mình bé nhỏ lại (và anh thích được nhỏ bé lại) khi ở bên mẹ.
Đang miên man với những ý nghĩ thân thương ấy, anh bỗng nghe một tiếng “kịch” từ trong bếp vọng ra. Anh hét toáng lên : “Thôi rồi ! Con mèo !”. Anh chạy thục mạng vào bếp. Trời ơi ! Đĩa thịt mà anh đã cẩn thận đậy bằng cái rá lớn, bên trên đè lên bằng một cái búa tạ và một con dao chẻ củi lúc này trống trơn. Cái rá rơi lăn lóc dưới đất. Cái búa và con dao cũng nằm im bất động cạnh đó. Thôi, thế là hết. Anh hết còn được ngắm niềm vui của mẹ khi gắp miếng thịt khiêm tốn vào bát, miệng không ngớt khen ngon. Mẹ chỉ ăn một miếng lấy lệ, còn lại, mẹ gắp cả cho anh. Hai mẹ con cứ gắp qua gắp lại cho nhau. Và bữa cơm trôi đi trong nước mắt. Lúc này đây, nhìn cái đĩa trống trơn trước mặt, nước mắt anh cứ tự nhiên tuôn ra. Con mèo khốn kiếp ! Anh nguyền rủa.
Đó là một con mèo hoang không biêt từ nơi nào trôi dạt đến. Từ khi nó xuất hiện, cuộc sống của người dân chốn bùn lầy nước đọng này bỗng nhiên bị xáo trộn. Nhà nào cũng bị nó đến “viếng” ít nhất một lần trong ngày. Những con cá khô, những con cá ươn, những miếng thịt ôi…- những thứ mà phải xếp hàng cả ngày trời mới mua được; và thường chỉ dùng để làm món ăn bổ dưỡng cho người già yếu, bệnh tật thôi – cho dù được “bảo vệ” kỹ cách nào chăng nữa cũng không thể thoát khỏi nó. Thoắt ẩn thoắt hiện. Nó là một con hồ ly tinh. Đêm đêm, nghe tiếng kêu của nó, người yếu bóng vía không khỏi rùng mình sợ hãi. Người ta đã tìm đủ cách mà vẫn không thể trừ khử được nó. Nó đã thực sự trở thành ác mộng cho cư dân nơi đây. Mày sẽ biết tay tao. Anh đe dọa nó. Đe dọa kẻ thù mà mình biết chắc rằng khó có thể (hoặc không thể) đụng đến là biện pháp tự an ủi của người cô thân cô thế. Dân đen luôn luôn cô thân cô thế. Mày sẽ biết tay tao. Mày sẽ làm gì tao nào ? Nếu nó hỏi anh như thế thì anh sẽ trả lời nó ra sao nhỉ ? Tao sẽ giết mày. Mày giỏi thì giết tao đi ! Mày thách tao à ? Ừ, tao thách mày đó. Giữa lúc anh đang đóng vai Don Quichotte đánh nhau với cối xay gió thì mẹ anh bước vào. Bà cười cười :
- Mèo ăn mất rồi hả con?
- Vâng ạ.
Anh trả lời một cách yếu ớt.
- Thôi, bỏ đi ! Không ăn lúc này thì ăn khi khác. Ăn cơm đi kẻo trưa quá rồi. Mà chiều nay con còn phải đi dạy nữa đấy.
Hai mẹ con ngồi xuống bên mâm cơm lỏng chỏng một đĩa rau muống luộc và một cái trứng vịt luộc dầm nước mắm vừa dùng để chấm vừa dùng để làm món mặn. Anh nhai trệu trạo. Bỗng anh nghe phát ra từ miệng mẹ tiếng” cách”. Bà dừng nhai và kín đáo nhả miếng cơm ra. Lòng anh nhói đau. Lúc này gạo khi thì ẩm mốc, lúc đầy sạn, đầy hạt cỏ. Mẹ anh đã tốn nhiều thì giờ cho việc làm sạch, nhưng không thể hết được. Tội nghiệp cho hàm răng chiếc rụng, chiếc lung lay của người già. Anh không dám nhìn mẹ nữa. Anh lùa nhanh miếng cơm vào miệng và lật đật đứng lên : “Con mời mẹ xơi cơm ạ”. Mẹ không nói gì cả chỉ ái ngại nhìn anh.